Lịch sử Tên_gọi_Nhật_Bản

Xem thêm thông tin: Wa (Nhật Bản)
Cipangu (được gọi là ixola de cimpagu ở phía trái trung tâm) trong bản đồ Fra Mauro vào năm 1453, là mô tả đầu tiên về hòn đảo này trên bản đồ phương Tây.

Cả Nippon và Nihon đều có nghĩa đen là "nguồn gốc của mặt trời", nghĩa là nơi mặt trời bắt nguồn,[1] và thường được dịch là Vùng đất Mặt trời mọc. Danh pháp này xuất phát từ sự tương ứng của Hoàng gia với nhà Tùy của Trung Hoa và đề cập đến vị trí ở phía đông so với Trung Quốc. Trước khi Nihon trở thành tên gọi chính thức, Nhật Bản được gọi là Wa (倭 (Oa), Wa?) hoặc Wakoku (倭国 (Oa Quốc), Wakoku?).[2] Wa là tên gọi mà nước Trung Hoa cổ xưa dùng để nhắc đến một nhóm dân tộc thiểu số sống ở Nhật Bản trong thời kì Tam Quốc.

Mặc dù nguồn gốc từ nguyên của "Wa" vẫn chưa chắc chắn, các văn bản Trung Quốc trong lịch sử ghi chép lại một nhóm người cổ đại sống trên quần đảo Nhật Bản (có lẽ là Kyūshū), đôi khi được đặt tên như *ˀWâ hoặc *ˀWər 倭. Carr (1992:9–10) khảo sát các đề xuất phổ biến cho từ nguyên của Wa, trải dài từ những nguồn đáng tin cậy (phiên âm từ đại từ nhân xưng ngôi đầu tiên trong tiếng Nhật waga 我が "của tôi; của chúng ta" và ware 我 "tôi; chính mình; ngươi") tới dung tục (viết Wa trong tiếng Nhật là 倭 ý chỉ "người lùn"), và tóm tắt các cách hiểu cho "tiếng Nhật" *ˀWâ thành các biến thể của hai từ nguyên: "về mặt hành vi 'dễ quy phục' hoặc về mặt vật lý 'ngắn'." Cách giải thích đầu tiên "dễ quy phục; dễ bảo" bắt đầu với quyển từ điển Thuyết văn giải tự (121 CE). Nó định nghĩa 倭 là thuận mạo 順皃 "thể hiện dễ bảo/dễ phục tùng/dễ sai khiến", có bộ "nhân" 亻với chữ ủy 委 "quanh co", và trích dẫn thơ từ Kinh Thi. "Có thể hiểu được, khi người Trung Quốc lần đầu tiên gặp người Nhật Bản," Carr (1992:9) gợi ý "họ đã phiên âm từ Wa là *ˀWâ với nghĩa 'cúi xuống' biểu thị động tác cúi đầu thể hiện 'sự tuân thủ'. Động tác cúi đầu được ghi chú trong các tài liệu tham khảo trong lịch sử ban đầu liên quan tới Nhật Bản." Các ví dụ bao gồm "Sự tôn trọng được thể hiện bằng việc ngồi xổm" (Hậu Hán thư, tr. Tsunoda 1951:2), và "họ thực hiện cả động tác ngồi xổm hoặc quỳ xuống, với hai bàn tay đặt trên mặt đất. Đây là cách họ thể hiện sự tôn trọng." (Ngụy chí, tr. Tsunoda 1951:13). Koji Nakayama giải thích chữ uy 逶 "sự uốn lượn" như "xa xôi, diệu vợi" dịch uyển ngữ chữ Oa 倭 là "tách khỏi lục địa." Từ nguyên thứ hai của oa 倭 nghĩa là "người lùn, người nhỏ bé" có từ cùng gốc khả thi là ải 矮 "thấp, ngắn (tầm vóc)", uy 踒 "căng; bong gân; chân cong", và ngọa 臥 "nằm xuống; cúi; ngồi (động vật và chim)". Sử liệu triều đình Trung Hoa thuở sơ khai đề cập đến một địa điểm Chu Nho quốc 侏儒國 "quốc gia của người nhỏ bé/người lùn" nằm ở phía nam Nhật Bản, liên kết có thể với đảo Okinawa hay quần đảo Lưu Cầu. Carr trích dẫn các ưu tiên lịch sử của việc coi Wa là "người dễ phục tùng" và truyền thuyết "Quốc gia người lùn" là bằng chứng cho thấy từ nguyên của "những người nhỏ bé" là một sự phát triển thứ cấp.

Các nhà ghi chép Trung Hoa, Triều Tiên, và Nhật Bản thường ghi tên nước Nhật Wa hoặc Yamato bằng chữ Hán 倭 cho tới thế kỷ thứ 8, khi người Nhật cảm thấy sai lầm vì hàm ý xúc phạm của nó, thay thế bằng chữ 和 "hòa hợp, hòa bình, cân bằng". Được áp dụng từ thời điểm này, kí tự này đã được mượn vào tiếng Nhật để chỉ bản thân đất nước này, thường được kết hợp với chữ 大, nghĩa đen là "lớn", để viết cho tên gọi Yamato (大和) đã có từ trước (theo cách tương tự như 大清帝國 Đại Thanh Đế quốc, 大英帝國 Đại Anh Đế quốc). Tuy nhiên, cách đọc Yamato không thể được hình thành từ âm thanh của các ký tự cấu thành của nó; nó đề cập đến một địa điểm ở Nhật Bản và được suy đoán ban đầu có nghĩa là "Cổng núi" (山戸).[3] Những từ sử dụng một số chữ Hán để đặt tên cho một từ tiếng Nhật nào đó chỉ nhằm mục đích đại diện cho nghĩa của từ đó bất kể cách đọc on'yomi hoặc kun'yomi của mẫu tự kanji như vậy, hay còn gọi là jukujikun, không phổ biến trong tiếng Nhật. Các tên gọi gốc khác trong văn bản Trung Quốc có nước Yamatai (邪馬台国), nơi một người là Nữ hoàng Himiko đã sống. Khi hi no moto, cách nói bản địa của người Nhật Bản chỉ "nguồn gốc của mặt trời", được viết bằng kanji, nó được đặt cho các ký tự 日本. Theo thời gian, những ký tự này bắt đầu được đọc bằng cách đọc Trung-Nhật, ban đầu là Nippon và sau là Nihon, mặc dù hai tên có thể hoán đổi cho đến ngày nay.

Tên gọi Nippon chỉ xuất hiện trong lịch sử từ cuối thế kỷ thứ 7. Cuốn Cựu Đường thư (舊唐書), một trong Nhị thập tứ sử, phát biểu rằng sứ thần Nhật Bản không hài lòng với tên gọi quốc gia Oa Quốc (Woguo) (倭國) của ông, và thay đổi nó thành Nippon (Nhật Bản; trong tiếng Trung, Riben) (日本), hay "Nguồn gốc Mặt trời". Một biên niên sử vào thế kỷ 8 khác, Sử kí chính nghĩa (史記正義), tuy nhiên, lại phát biểu rằng Nữ hoàng Võ Tắc Thiên ra lệnh cho sứ thần Nhật Bản thay đổi tên quốc gia thành Nippon. Mặt trời đóng vai trò quan trọng trong thần thoạitôn giáo của Nhật Bản, khi Thiên hoàng được cho là hậu duệ trực tiếp của nữ thần mặt trời Amaterasu và tính hợp pháp của gia đình cai trị dựa trên sắc lệnh và hậu duệ thiêng liêng từ vị thần chính của tôn giáo Thần đạo. Tên của đất nước phản ánh tầm quan trọng trung tâm của mặt trời.

Cipangu mô tả trong quả địa cầu Martin Behaim năm 1492.

Tên gọi trong tiếng Anh của Nhật Bản (Japan) đến phương Tây từ các tuyến đường thương mại thuở ban đầu. Tên gọi chỉ Nhật Bản trong tiếng Quan thoại hay tiếng Ngô cổ được Marco Polo ghi lại là Cipangu.[4] Trong tiếng Thượng Hải hiện đại (một ngôn ngữ của tiểu nhóm tiếng Ngô), cách phát âm chính thức của các kí tự 日本 (Nhật Bản) vẫn là Zeppen [zəʔpən]. Cách phát âm thông tục của ký tự 日 là [ɲəʔ], gần với Nippon hơn. Các tên gọi Jepang, Jipang, và Jepun trong tiếng MalaysiaIndonesia được mượn từ các phương ngữ tiếng Trung không phải Quan thoại, và từ gốc Mã Lai này đã được các thương nhân Bồ Đào NhaMalacca bắt gặp vào thế kỷ 16. Người ta cho rằng các thương nhân Bồ Đào Nha là những người đầu tiên mang từ này đến châu Âu. Nó được ghi lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 1577 dưới dạng Giapan.[5]

Trong tiếng Anh, danh hiệu chính thức hiện đại của đất nước này chỉ đơn giản là "Japan", một trong số ít các quốc gia không có tên "dạng dài". Tên chính thức bằng tiếng Nhật của Nhật Bản là Nippon-koku hoặc Nihon-koku (日本国), nghĩa đen là "Quốc gia Nhật Bản".[6] Từ thời kỳ Minh Trị Duy tân cho tới cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, danh hiệu đầy đủ của Nhật Bản là "Đại Đế quốc Nhật Bản" (大日本帝國 Dai Nippon Teikoku). Một bản dịch thi vị hơn của tên gọi Nhật Bản trong thời kỳ này là "Đế quốc Mặt trời mọc." Tên chính thức của quốc gia đã được thay đổi sau khi thông qua hiến pháp sau chiến tranh; danh hiệu "Quốc gia Nhật Bản" đôi khi được sử dụng như một từ hiện đại thông tục. Như một tính từ, thuật ngữ "Dai-Nippon" vẫn phổ biến với các tổ chức chính phủ, thương mại hoặc xã hội Nhật Bản có phạm vi vượt ra ngoài biên giới địa lý của Nhật Bản (ví dụ, Dai Nippon Printing, Dai Nippon Butoku Kai, vân vân).

Mặc dù Nippon hay Nihon cho đến nay vẫn là tên gọi phổ biển nhất để chỉ Nhật Bản ở trong nước, ngày nay các từ ngữ nước ngoài như Japan và thập chí là Jipangu (từ Cipangu, xem bên dưới) cũng được sử dụng trong tiếng Nhật hầu như cho mục đích làm thương hiệu nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tên_gọi_Nhật_Bản http://www.chinalanguage.com/forums/viewtopic.php?... //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA20 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA707 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA708 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA709 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA710 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA717 //books.google.com/books?id=p2QnPijAEmEC&pg=PA768 http://www.japan-zone.com/omnibus/facts.shtml http://www.japantoday.com/smartphone/view/arts-cul...